Chương XIX: TÍN THÁC TRONG LỖI LẦM
§I. - Những lỗi lầm không nên làm giảm niềm tín thác của ta, vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng thương xót : Ngài cần phải có những sự khốn nạn của ta để thực thi lòng thương xót của Ngài : Felix culpa !
- Thái độ phải giữ : sau những lỗi lầm, hãy gieo mình vào vòng tay Chúa với một niềm tín thác trìu mến, và tỏ ra cởi mở và tự nhiên với Ngài như trước kia.
Những lỗi lầm không được làm giảm niềm tín thác của ta, vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng thương xót : Ngài cần có những sự khốn nạn của ta để thực thi lòng thương xót của Ngài : Felix culpa ! – Cản trở lớn nhất của niềm tín thác của ta là những lỗi phạm, những tội lỗi nhất là những lỗi phạm cố tình. Người ta có thể cứ vững lòng trông cậy giữa những khó khăn của cuộc đời, như những khô khan, buồn rầu, những cơn cám dỗ, vì dầu sao đó cũng là những thử thách của Chúa. Đó chẳng phải là những phương tiện Chúa quan phòng dùng để đo lường niềm tín thác của ta, và để hoàn thiện nó sao ? Nhưng khi chúng ta sa ngã do lỗi của mình, khi chúng ta xúc phạm đến Chúa, nhất là cố tình xúc phạm đến Ngài, thì tự nhiên chúng ta tự cảm thấy mình không xứng đáng với những ơn Ngài đã ban cho ta. Tự nhiên chúng ta cảm thấy không còn thân mật như trước kia với Đấng mà ta đã xúc phạm, đã làm phiền lòng. Và tất nhiên niềm tín thác của tạ bị dội lại.
Thật ra, các lỗi lầm chỉ là cản trở cho niềm tín thác của ta, vì đó chưa phải là niềm tín thác tinh ròng : sự tín thác của ta đã dựa vào bản thân ta, dựa vào công phúc và các nhân đức của ta hơn là dựa vào lòng nhân hậu và lòng thương xót vô cùng của Chúa.
Niềm tín thác đích thực và tinh ròng không có gì phải sợ những lỗi lầm, cả những lỗi lầm cố tình của ta, bởi vì ta là loài yếu đuối, có thể sa ngã. Bởi vì, đáng buồn thay ! cả những tâm hồn quảng đại cũng vẫn phải chịu những sự yếu đuối đó của bản tính loài người. Đôi khi Thiên Chúa cho phép xảy ra những sự sa ngã nặng nề để sinh ra một lợi ích lớn lao cho linh hồn. Đó là trường hợp của tông đồ Phêrô, vị tông đồ rất được Chúa yêu thương.
Người ta tỏ ra chưa hiểu biết gì lắm về lòng nhân hậu, tình yêu thương và sự thánh thiện của Chúa, nếu người ta để cho niềm tín thác bị ảnh hưởng bởi những sa ngã, nếu người ta giảm bớt lòng trông cậy. Đúng thế, nếu chúng ta có một ý tưởng xác đáng về tình thương và lòng thương xót của Chúa, các tội lỗi của ta sẽ chỉ tác động đến niềm tín thác của ta, bằng cách gia tăng và thanh tẩy lòng trông cậy đó. Các tội lỗi sẽ gia tăng niềm tín thác, theo mức chúng khiến ta dứt bỏ được sự tin tưởng vào mình là cái hợp chất vẫn làm mất chất tinh ròng của một niềm tín thác đích thực.
Các thánh và các bậc tôn sư dạy đường trọn lành đã nói rất nhiều về vấn đề này. Chỉ cần mở bất cứ cuốn sách nào trong kho tàng qúi giá này.
Thánh Phanxicô Salêsiô, vị thánh hiền hậu và tốt lành đã thao thao bất tận, khi nói về vấn đề này. Chẳng hạn ngài viết : “Chúng ta càng thấy mình khốn nạn, chúng ta càng tin tưởng nơi lòng nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Bởi vì giữa lòng thương xót và sự khốn nạn, luôn có một mối liên hệ lớn lao, đến nỗi cái này không thể tác động khi không có cái kia. Nếu Thiên Chúa không tạo thành con người, Ngài có thể thật sự rất tốt lành, nhưng Ngài không thể có lòng thương xót, bởi vì lòng thương xót chỉ thực thi đối với những kẻ khốn nạn”.
Đức Cha Gay thì nói rất rõ : “Tội lỗi đụng tới Thiên Chúa theo nghĩa nó xúc phạm đến Ngài, nhưng không bao giờ nó đụng tới Ngài theo nghĩa nó biến đổi con người của Ngài. Nó biến đổi các hành vi của Ngài, nhưng không thay đổi chút nào thái độ căn bản của Ngài đối với chúng ta, nghĩa là nó không thay đổi tình thương của Ngài đối với chúng ta. Đối với bản chất hư vô của ta, lòng nhân hậu của Ngài trở thành tình thương, và đối với tội lỗi của ta thì tình thương của Ngài trở thành lòng thương xót. Đó là tất cả sự thật. Vâng, đó là tất cả sự thật, với điều kiện là kẻ tội lỗi giữ lòng trông cậy”.[1]
Một tiếng nói khác, rất hùng hồn của thế kỷ vừa qua, cũng đã để lại những lời vô cùng an ủi như sau : “Hạnh phúc thay ! Những ai có lòng thương xót !”. Khi tuyên bố những lời này, Con Thiên Chúa làm người đã tỏ cho ta thấy chính niềm hạnh phúc của Ngài và của Cha Ngài ở trên trời. Bởi vì nếu đối với một người phàm như chúng ta, lòng thương xót còn là nguồn mạch của hạnh phúc, thì phương chi đối với Thiên Chúa là Đấng có lòng thương xót rộng lớn vô cùng, hạnh phúc ấy ai có thể tưởng tượng được ? Hạnh phúc thay những ai có lòng thương xót, vậy diễm phúc vô cùng là Đấng mà chỉ mình Ngài được gọi là Đấng nhân hậu (“Chỉ mình Thiên Chúa là nhân hậu” : Mt 19,17), và Đấng mà lòng nhân hậu và lòng thương xót được chúc tụng đến muôn đời : “Hãy chúc tụng Chúa vì Ngài nhân hậu, vì lòng thương xót của Ngài đến muôn đời !” (Tv 99,5)[2]. Khi nghe những lời này, người ta tưởng như được nghe âm vang chính những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và nhờ đó chúng ta mới hiểu tại sao trên trời lại vui mừng đến thế, khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải.
Có thể nói : khi tôi phạm tội, tôi có thể mang lại cho Chúa một nguồn vui lớn lao, miễn là tôi giữ lòng cậy trông và chạy đến với Ngài, để Ngài có thể thực thi lòng thương xót vô cùng của Ngài đối với tôi là kẻ rất khốn nạn. Tôi có thể làm Chúa vui mừng lắm, nhiều lắm, nhất là vì chỉ mình Ngài thấy rõ tội lỗi là điều khốn nạn hơn hết, đáng thương hại hơn hết, cho nên khi cứu tôi khỏi sự khốn nạn lớn lao này, Ngài sẽ vô cùng vui sướng. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy an vui dường nào ! Phải chăng đây là lúc để kêu lên một cách cảm động : Ôi tội lỗi có phúc ! bởi vì chính trong tội lỗi đã có mang thần dược để chữa tôi khỏi nọc độc và tai hại của nó ! Sự sa ngã của tôi đã làm hại lòng mến yêu của tôi, vì tôi đã làm phiền lòng Chúa ; nhưng sự sa ngã của tôi có thể là nguồn vui mừng cho tôi, vì khi gieo mình vào lòng Chúa với niềm tín thác mến yêu, tôi làm cho Chúa vui mừng khôn tả.
Nếu nhờ một ơn trọng đại của Chúa, mà tôi rất nên xin Chúa ơn này ; vâng, nếu nhờ ơn Chúa tôi hiểu thấu những chân lý đầy sức an ủi trên đây, tôi sẽ rút ra biết bao lợi ích cho đời sống của tôi ! Niềm tin đó sẽ tôi luyện đức can đảm của tôi, sẽ giúp tôi giữ vững niềm tín thác trọn vẹn nơi lòng thương xót vô hạn của Chúa : vì thiếu hiểu biết, đã bao lần niềm tín thác này bị rạn nứt vì những lỗi lầm của tôi. Bây giờ tôi mới hiểu được tiếng kêu siêu phàm của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu : “Nếu như phạm tội trọng, tôi cũng không mất niềm tín thác. Không, không phải vì tôi được giữ gìn không mắc tội trọng mà tôi tín thác và yêu mến Chúa như thế đâu. Ôi, tôi cảm thấy rõ điều này, nếu lương tâm tôi bị đè nặng bởi tất cả mọi tội ác người ta có thể phạm, thì tôi cũng sẽ không mất đi chút nào niềm tín thác của tôi”[3].
Như vậy chúng ta thấy : những lỗi lầm của ta có thể là nguyên nhân mang lại niềm vui cho Chúa. Nhưng phải làm gì để có thể biến đổi những xúc phạm của ta thành những niềm vui cho Cha chúng ta ở trên trời ? Chỉ có một điều, và điều này là tất cả : đó là chúng ta hãy ăn năn cách khiêm nhường, rồi hãy gieo mình vào vòng tay nhân từ và thương xót của Chúa với tất cả lòng mến yêu và tín thác. Đó là điều chúng ta cần phải hiểu cho rõ và ghi nhớ từ này về sau.
Thái độ phải giữ : sau những lỗi lầm hãy gieo mình vào vòng tay Chúa với
niềm tín thác trìu mến, tỏ ra cởi mở và tự nhiên với Ngài
như trước kia.
– Tất nhiên những linh hồn thật sự quảng đại sẽ sẵn sàng chịu mọi sự còn hơn
phạm một tội cố tình, dầu rất nhỏ mọn. Đối với họ, không một đau khổ nào,
không một nỗi cực lòng nào có thể so sánh với nỗi buồn của họ, khi họ làm
phiền lòng Chúa Giêsu. Tuy nhiên con người thì yếu đuối, mà ma qủi thì độc
ác, cho nên nếu chẳng may chúng ta sa ngã và phạm tội, chúng ta hãy mau mau
hạ mình xuống, hãy ăn năn sám hối vài phút dưới chân Chúa Giêsu lân ái. Rồi,
đầy lòng tín thác, hãy gieo mình vào vòng tay của Ngài ! Hãy thưa Chúa rằng
chúng ta hối hận và mến yêu Ngài, chúng ta sẽ thấy các vai trò sẽ thay đổi.
Chúng ta đến an ủi Chúa Giêsu, nhưng chính Chúa sẽ an ủi chúng ta : Ngài sẽ
bảo chúng ta đừng buồn nữa, bởi vì Ngài đã quên nỗi buồn mà chúng ta làm cho
Ngài.
Hãy xem Mađalêna : chị ấy đã hiểu rõ trái tim của Chúa Giêsu vô cùng dịu hiền của chúng ta. Chị đã sa ngã rất mực nặng nề, như một con người có thể sa ngã. Sánh với tội lỗi của chị, các tội của chúng ta chẳng là gì hết. Nhưng tâm tình hối hận và niềm tín thác trọn vẹn của chị vượt qúa xa tâm tình của chúng ta. Một cha linh hướng rất khôn ngoan đã nói về chị như sau : “Mađalêna đã biết rõ cách phải làm thế nào để chiếm được lòng Chúa Giêsu : chị đã có sự táo bạo hiếu thảo. Những tội lỗi xưa, những tội lỗi đã được tha, không cản trở chút nào cho sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Có thể nói tội lỗi là lý do để chị yêu mến Chúa hơn. Từ hôm Chúa nói với Mađalêna : “Chị hãy đi bằng yên, các tội của chị đã được tha rồi”, từ ngày đó không khi nào Chúa nhắc đến các tội lỗi đó nữa. Và chị cũng không bận tâm chút nào về những điều đó nữa. Chị không bao giờ rời xa Chúa, không bao giờ chị nghĩ rằng những người khác có quyền gần gũi Chúa hơn chị. Chị luôn ở bên cạnh Chúa, và Chúa Giêsu tốt lành không bao giờ xua đuổi chị. Chị luôn nghĩ đến Chúa, quên cả nghĩ đến bản thân mình, và đó là bí quyết của bình an cho tâm hồn, và bí quyết nên thánh. - Phần chúng ta cũng vậy, một khi đã thấm thía rằng mình chỉ là hư vô, đầy những xu hướng xấu xa, những yếu đuối và những sự khốn nạn, thì tất cả công việc phải làm là : hãy gieo mình vào trong Trái Tim yêu thương của Chúa Giêsu. Ngài sẽ không chê bỏ ta đâu, sẽ không bao giờ xua đuổi ta. Khi đó chúng ta sẽ có thể quên mình đi, và chỉ nghĩ đến việc làm vui lòng Ngài. Không có nguy hiểm, không sợ suy đoán sai đâu. Chúa Giêsu, Chúa chúng ta vô cùng thương xót, vô cùng quảng đại, hơn tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Nếu có cản trở, thì cản trở đó là do chúng ta vẫn nghĩ về mình, vẫn ngầm tin tưởng vào mình, chứ không phải sự khốn nạn của ta. Chúng ta không bao giờ tin tưởng và tín thác qúa vào Ngài”[4].
Sự nhớ lại những tội lỗi hiện nay hoặc xưa kia của ta không nên làm cho ta khép tâm hồn lại, hoặc làm mất sự phấn khởi vui tươi rất cần cho việc phụng sự Chúa. Không bao giờ tội lỗi của ta, dầu nặng nề đến đâu, có thể gây nên, vâng, không được để nó gây nên một bầu không khí hoài nghi, hoặc thiếu tin tưởng giữa ta và Chúa Giêsu. Không bao giờ được để cho tội lỗi làm giảm vẻ tự nhiên thoải mái giữa ta và Chúa Giêsu nhân từ.
Nếu những điều này đúng cho những lỗi phạm cố tình, ít khi xảy ra nơi những tâm hồn thật sự nội tâm, thì tất nhiên càng đúng cho những lỗi lầm phần nào cố ý, hoặc chỉ vì yếu đuối, hoặc sơ ý.
Đáng buồn thay ! sau khi sa ngã, chúng ta thường bị cám dỗ ở lỳ trong tình trạng trầm cảm, chán nản, quạu cọ. Cả sau khi đã khiêm nhường nhận lỗi và xin lỗi Chúa, chúng ta vẫn tự cảm thấy ngượng ngùng, không được thoải mái với Chúa. Hình như chúng ta không thể xử sự như thể đã không có gì xảy ra, và chúng ta phải mang cái bộ mặt buồn thảm của kẻ đã lỗi phạm. Chúng ta làm thế với người ta thì còn có thể hiểu được, chứ đối với Chúa Giêsu ! Chúng ta hãy nhớ lại những gì đã được nói với ta trên đây : nếu chúng ta muốn, tội lỗi của ta mang lại cho Chúa cơ hội để Ngài thực thi lòng thương xót vô cùng của Ngài. Và như vậy, đó sẽ là căn nguyên sinh ra niềm vui ngọt ngào cho Ngài.
Thiết tưởng không có minh họa nào rõ hơn cho chân lý này bằng câu chuyện vui của thánh Giêrônimô. Một hôm vào tuần lễ Giáng Sinh, Hài Nhi của Bethlêem mà Giêrônimô rất yêu mến nói với ông rằng : “Giêrônimô, cho Ta cái gì đi ! - Nhưng lạy Chúa, Giêrônimô thưa, con đã cho Chúa tất cả rồi mà, cuộc sống của con, các sách vở của con, mấy nhân đức bé nhỏ của con, việc tông đồ của con… Đó, tất cả là của Chúa. Chúa hãy nhận lấy đi ! - Giêrônimô, cho Ta cái gì đi ! - Ồ, lạy Chúa, có còn gì trong trái tim con đâu ! - Giêrônimô à, còn, Ta thấy con còn giữ cái gì đó…, con không muốn cho Ta. - Vậy Chúa muốn gì ạ ? - Giêrônimô, con hãy cho Ta những tội lỗi của con.”
Ôi, đúng thế, Chúa Giêsu cần có những sự khốn nạn và tội lỗi của ta, để tình thương đầy thương xót của Ngài có dịp chan hòa với vật thọ tạo bé mọn của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã nói ra lời tuyệt vời đó với chị Benigna - Consolata : “Con ơi, con hãy bán những sự khốn nạn của con cho lòng thương xót của Cha”.
Sau bấy nhiêu nhận xét, làm sao ta còn nghi ngại và thiếu tin tưởng vì thấy mình khốn nạn ? lỗi lầm của ta có thể đã làm Chúa buồn phiền, ồ Chúa không buồn lắm đâu, nếu ta tỏ ra quảng đại. Lòng mến yêu và sự hối lỗi chân thành của ta đã đền bù cho Chúa qúa đủ, và làm Ngài vui sướng, hơn là đã buồn vì lỗi phạm của ta.
Một chị tập sinh tỏ ra đau đớn hối hận vì một lỗi đã phạm. Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu bảo chị ấy : “Em hãy ôm hôn tượng Chúa chịu đóng đinh”. Chị ấy hôn chân Chúa. Thánh nữ liền bảo : “Đứa con chỉ hôn cha mình như thế sao ? Chị thánh nói : Em hãy quàng tay lên cổ Cha và hôn mặt Ngài.” Chị tập sinh vâng theo. “Như thế chưa đủ, phải để Cha con hôn lại con.” Và chị tập sinh đã đặt tượng Chúa lên cả hai má của mình. Khi đó thánh nữ nói : “Tốt lắm, bây giờ thì mọi sự đã được tha thứ !”.
Đó, các thánh đã hiểu thế nào về tình thương và lòng thương xót của Chúa. Trong cuốn ghi những lời khuyên và những kỷ niệm của thánh nữ Têrêxa rất yêu qúi của chúng ta, người ta đọc được câu chuyện cảm động này. “Một trong những nữ tu bạn của chị thánh đã làm phiền lòng chị thánh, và đã đến xin lỗi. Têrêxa tỏ ra rất xúc động và nói : “Chị có biết tôi đang cảm thấy điều gì không. Tôi chưa bao giờ hiểu rõ bằng lúc này về tình thương mà Chúa Giêsu dành cho ta, khi ta xin lỗi Ngài vì đã lầm lỗi. Nếu tôi, một vật thọ tạo bé mọn, tôi đã cảm thấy rất âu yếm chị, khi chị đến xin lỗi tôi, thì Trái Tim Chúa sẽ rung động đến đâu khi người ta trở lại xin lỗi Ngài. Vâng, chắc chắn còn mau lẹ hơn là tôi vừa làm với chị, Ngài sẽ quên tất cả mọi sai lỗi của ta, Ngài không bao giờ nhớ tới nữa… Ngài còn làm hơn thế nữa : Ngài sẽ yêu thương ta hơn cả trước khi ta lỗi lầm…”.
Những lời này tự nhiên làm ta nhớ lại bài dụ ngôn về đứa con hoang đàng, trong đó Chúa Giêsu đã tự mô tả về Ngài : với những lời nồng nàn và những nét mạnh mẽ, Ngài đã nói lên niềm vui rất lớn lao của Ngài, khi thấy ta ăn năn trở lại sau những lỗi lầm. Các tác giả viết về dụ ngôn này đều chú ý đến sự kiện người cha không chờ cho đứa con lại với mình, nhưng ông đã chạy đi đón nó, đã không đợi cho nó nói lời thú tội, nhưng đã vội ôm lấy nó một cách rất âu yếm. Lúc đó đứa con hoang đàng coi thật là thảm hại, áo quần rách rưới, con người thì bẩn thỉu hôi hám. Nhưng người cha nhân từ đã không chút để ý đến cảnh rách rưới và hôi hám đó, ông đã ôm ngay lấy đứa con trở về, và ông đã khóc vì vui sướng thấy con trở về. Mau lấy áo mới cho cậu thay ! Hãy xỏ nhẫn vào tay cậu, để cậu được đàng hoàng làm con ta như trước ! Người cha nhân từ không nói với đứa con trở về : “Để xem nó cải tạo ra sao. Nếu nó giữ vững quyết tâm và hối cải, cha sẽ quên mọi lỗi lầm của nó, và sẽ yêu thương nó như xưa”. Không, người cha trong bài dụ ngôn không có thái độ trông chừng đó, không có thái độ ơ hờ đó. Người cha đã lập tức tha thứ, đã đón nhận và yêu thương đứa con trở về, ngay trước khi nó có giờ để nói lời xin tha. Thiên Chúa còn nhân từ và tốt lành hơn người cha trong dụ ngôn muôn ngàn lần. Kẻ có tội bắt đầu hối hận và quyết chí hối cải, thì Chúa đã yêu thương nó rồi.
Ôi ! Ước chi tôi học thuộc được nghệ thuật, cái nghệ thuật diễm phúc dạy tôi cách cư xử với Chúa, để sau khi phạm lỗi, nhờ có niềm tín thác trọn vẹn, tôi tìm lại được tình thương của Chúa, và thấy Chúa thương tôi còn hơn cả trước đó. Đó thật là một ơn rất trọng của Chúa, vì nhờ ơn Chúa, chúng ta lại vẫn tin tưởng và cởi mở với Ngài như trước. Điều này chứng tỏ ta đã tiến xa trên đường nhân đức.
Cha Considine khẳng định rằng : “Khi một người thường phạm một lỗi lầm, phải qua một thời gian, rồi người đó mới cảm thấy tự nhiên với Chúa như trước. Đó là vì người đó chưa hiểu đủ về lòng nhân từ và quảng đại của Chúa. Còn khi một thánh nhân phạm sai lỗi, ngài lập tức chạy đến với Chúa, như đứa bé chạy lại với mẹ nó, thú nhận điều sai lỗi cách khiêm nhường và thật thà, không chữa mình, không giải thích, như một đứa bé chân thành và tin tưởng. Và chỉ một lúc sau, Ngài đã cảm thấy hạnh phúc bên cạnh Chúa như trước. Lỗi của Ngài đã không gây nên một sự khác biệt nào hết. Thánh nhân không kém hiểu biết về tội lỗi, so với những người khác. Các ngài còn hiểu hơn họ nhiều. Nhưng điều quan trọng và là điều khác biệt, là các ngài hiểu biết Chúa hơn chúng ta nhiều. Một dấu hiệu chắc chắn về tiến bộ trên đường trọn lành, là mau chóng trở lại và lấy lại được sự bình an, sau mỗi khi phạm sai lỗi”.[5]
Lạy Chúa Giêsu, xin cũng ban cho con ơn hiểu biết sự dịu hiền của Trái Tim Chúa. Xin đừng để con làm cho Chúa buồn phiền lâu, và có lẽ đó là nỗi cực lòng lớn lao người ta thường làm cho Chúa, khi không tin tưởng vào ơn tha thứ và tình thương của Ngài sau khi người ta sa ngã. Ước chi, nhờ ơn Chúa sau mỗi lần sai lỗi, con càng yêu mến Chúa cách nồng nàn hơn và tin tưởng vào lòng thương xót Chúa hơn ! Nay con đã hiểu rằng : vẫn tín thác vào Chúa như trước khi sai lỗi sẽ làm Chúa vui hơn, tỏ rõ lòng mến và sự thống hối của con hơn. Nếu con lỡ sa ngã, con sẽ không nói như thánh Phêrô khi mới đi theo làm tông đồ : “Lạy Chúa, xin Ngài xa con ra, vì con là một kẻ tội lỗi”. Trái lại, với một niềm tín thác bao la, con sẽ thưa Chúa rằng : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đến với con, vì Chúa biết những sự khốn nạn và những tội lỗi của con, và Chúa biết con rất cần đến lòng thương xót của Chúa”.
§II. - Thiên Chúa để cho ta sai lỗi, vì những lợi ích lớn lao mà những lỗi phạm sẽ mang lại cho ta : chúng giúp ta yêu mến Chúa, khiêm nhường, chê ghét mình, mến yêu sự hèn hạ của mình, yêu mến Chúa cách tinh ròng vì Ngài là bản ngã mới của tôi.
- Hãy nhớ đến mục đích đó của Chúa, thì những lỗi phạm sẽ trở nên ngọt ngào cho ta.
Thiên Chúa để ta sai lỗi, vì những lợi ích lớn lao mà những sai phạm sẽ mang lại cho ta.– Chúng ta đã hiểu được phần nào rằng các sai lỗi của ta không nên làm ta mất tín thác và kém tự nhiên thân mật với Chúa. Thật ra, nếu biết lợi dụng những lỗi lầm đó, để sống khiêm nhường hơn, tín thác và yêu mến Chúa hơn, chúng ta sẽ không mất chút nào những ân sủng mà Chúa dành cho ta.
Để hiểu rõ hơn nữa, chúng ta nên suy xét kỹ hơn về những lợi ích lớn lao mà các lỗi lầm mang lại cho những ai nắm được nghệ thuật đền bù những sai lỗi đó.
Trước hết, đây là một tư tưởng có thể an ủi rất nhiều đối với những linh hồn quảng đại, luôn yêu mến Chúa và lo làm vui lòng Chúa trong mọi sự. Đó là : đối với những linh hồn thật lòng yêu mến Chúa và không bao giờ muốn cố ý làm phiền lòng Ngài, thì những lỗi lầm và những sai phạm vì yếu đuối, vì sơ ý chưa kịp suy nghĩ, không làm phiền lòng Chúa đâu. Chúa Giêsu nhân từ là Thiên Chúa, Chúa thấy rõ ràng sự yếu đuối và những bất toàn của bản tính loài người chúng ta. Ngài thấy rõ sự khác biệt giữa những sai lỗi cố ý hoặc phần nào cố ý, và những sai lỗi do yếu đuối hoặc do sơ ý.
Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu thường nhấn mạnh lên sự khác biệt này, để giúp các linh hồn yêu mến giữ được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Thánh nữ nhắc đi nhắc lại rằng : những sai lỗi do yếu đuối đó không làm phiền lòng Chúa, không làm mất lòng Ngài. Áp dụng vào bản thân, thánh nữ nói một cách dễ thương : “Tôi có quyền làm những chuyện dại dột nho nhỏ cho đến chết, mà không xúc phạm đến Chúa, nếu tôi cứ khiêm nhường và cứ bé nhỏ trước mặt Ngài. Hãy xem những trẻ nhỏ, chúng cứ tiếp tục làm đổ vỡ đồ đạc, làm rách áo quần và đồ dùng, chúng bị té, nhưng chúng vẫn yêu mến cha mẹ rất nhiều, và vẫn được cha mẹ thương yêu rất nhiều”.
Thánh nữ có lý lắm. Có nhiều lỗi lầm của ta có thể đi đôi với một lòng yêu mến lớn lao và một ước muốn chân thành làm vui lòng Chúa. Những lỗi lầm đó không xúc phạm và không làm Chúa phiền lòng. Có chăng, chúng làm phiền cái lòng tự ái của ta. Và đó là một điều tốt. Nếu hạnh phúc độc nhất của ta ở đời này là làm vui lòng Chúa Giêsu, thì sung sướng biết bao, khi biết rằng chúng ta vẫn làm vui lòng Chúa, mặc dầu có những sai lỗi nho nhỏ ! Thật không còn gì mang lại an ủi lớn hơn cho những linh hồn quảng đại ?
Sau khi đã biết phân biệt như thế, giữa những lỗi lầm không làm phiền lòng Chúa và những sai lỗi làm mất lòng Ngài, bây giờ chúng ta phải tìm hiểu vì những lý do nào Chúa để chúng ta sa ngã, đôi khi nhiều lần và lâu ngày lâu tháng, và sa ngã vào những lỗi phạm cố ý. Nếu Chúa muốn, Ngài có thể giúp ta giảm bớt rất nhiều những sai phạm đó. Vậy tại sao Chúa lại để ta sai phạm nhiều như thế ? Nếu Ngài để ta sai phạm, cả nơi những linh hồn hết lòng mến yêu Ngài, đó là vì Ngài thấy có những lợi ích lớn lao cho ta.
Thánh Phanxicô Salêsiô viết cho một nữ tu con thiêng liêng Ngài như sau : “Có thể con thấy một nữ tu hay vấp ngã và phạm nhiều sai lỗi, lại có nhân đức hơn và đẹp lòng Chúa hơn, hoặc vì chị ấy giữ được lòng can đảm hơn giữa những khiếm khuyết của mình, không lo lắng và rối trí vì thấy mình hay sa ngã như thế, hoặc vì chị ấy nhờ đó mà ở khiêm nhường hơn, hoặc vì chị ấy yêu mến sự hèn hạ của mình, còn như con thấy một chị nữ tu khác có cả tá nhân đức tự nhiên mà có, hoặc do tập tành, nhưng chị này không phải luyện tập nhiều và không vất vả, bởi vậy chị này có thể ít can đảm hơn chị kia là người dễ bị sa ngã”. Và thánh nhân áp dụng điều này vào trường hợp thánh Phêrô : tuy có nhiều nết xấu và những sa ngã, vị tông đồ này “đã được Chúa ưu tiên kén chọn hơn thánh Gioan và các tông đồ khác”.
Mẹ đáng kính Marie de Sales Chappuis, được đào tạo trong trường học của thánh Phanxicô Salêsiô là cha mình, cũng đã viết rằng : “Nếu mỗi hơi thở, chúng ta sa phạm một lỗi lầm, nhưng cũng bằng ấy lần, chúng ta lại chạy đến với Chúa, và lại tiếp tục sống tốt lành, thì những sa ngã không gây thiệt hại gì hết. Chúa Giêsu không nhìn vào những sai lỗi của ta, cho bằng nhìn vào lợi ích mà ta rút ra từ đó, nếu nhân đó mà ta hạ mình xuống, trở nên bé nhỏ, khiêm nhường và hiền lành. Khi đó, những sai lỗi không làm hại ta, không làm cho ý chí yếu đi. Biết nhận lỗi là một ơn rất trọng Chúa ban cho các linh hồn. Sự nhận biết này giúp ta khám phá lòng nhân hậu của Thiên Chúa và công ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế”.
Những lỗi lầm giúp ta yêu mến Chúa, sống khiêm nhường, chê ghét mình, yêu mến sự hèn hạ của mình và mến yêu Chúa là bản ngã mới của ta. – Đâu là những lợi ích lớn lao mà những lỗi lầm có thể mang lại cho ta ? Kể ra hết thì sẽ dài lắm. Chúng ta chỉ nên dừng lại ở ba bốn lợi ích đáng kể nhất.[6]
Một trong những lợi ích rõ ràng nhất là những lỗi lầm thường là dịp để ta tỏ bày lòng yêu mến Chúa. Chúng làm nảy sinh trong tâm hồn ta những tâm tình sám hối trìu mến, mang lại cho Chúa nhiều an ủi, và đền bù rộng rãi cho Thánh Tâm Ngài. Mađalêna đã vì lỗi phạm nhiều mà yêu mến Chúa rất nhiều. Phải chăng vì luôn nhớ đến các tội lỗi mình, nên lò lửa yêu mến trong tâm hồn chị đã luôn bừng bừng cháy ? Rất có thể nếu không có những sa ngã nặng nề kia, Mađalêna đã chẳng trở thành người mến yêu Chúa rất mực như thế, và đã không trở thành một vị thánh tuyệt vời như thế.
Lợi ích này của các lỗi lầm thường tỏ ra đặc biệt đúng cho những linh hồn thành tâm tận hiến cho Chúa. Nơi họ, những sai lỗi thường chỉ là những biểu hiện vô ý, hoặc sơ ý, của tính tự ái. Những sai lỗi này vượt ra ngoài tầm cảnh giác của họ, nhưng làm họ hối hận và là dịp để họ than thở và mến yêu Chúa. Lỗi lầm của họ, một chút tự ái của họ, đã được đền bù gấp trăm lần bằng tình mến yêu và niềm hối hận tín thác của họ. Họ làm như một đứa bé đã quậy phá. Đứa bé đã không cố ý làm phiền lòng mẹ nó, nhưng nó thấy đã làm phiền lòng mẹ nó một chút. Nó liền gieo mình vào lòng mẹ nó, hôn lấy hôn để mẹ nó. Và mẹ nó tỏ ra sung sướng. Những linh hồn trìu mến cũng làm như thế với Chúa Giêsu. Họ thấy đã làm phiền lòng Chúa, và họ đau khổ vì đã làm phiền lòng Chúa như thế. Cho nên họ hết lời than thở và xin lỗi Chúa, rồi họ tìm đủ cách để tỏ lòng mến yêu Chúa. Và Chúa Giêsu đã rất vui sướng. Bởi vậy không lạ gì Ngài thường để cho các linh đó vướng vào những sa ngã nho nhỏ đó một thời gian lâu, để họ có dịp tỏ lòng mến yêu Ngài cách tha thiết như vậy.
Chị Bêninha Consolata kể lại rằng : “Một hôm tôi đặt tượng Chúa Hài Đồng nhỏ bên cạnh tờ giấy tôi đang biết. Tôi vô ý kéo tờ giấy, làm tượng Chúa Hài Đồng đổ lăn trên bàn. Tôi vội nhắc tượng Chúa lên và hôn kính, đồng thời nói với Chúa Hài đồng rằng : “Nếu không bị ngã lăn ra, Chúa đã không có cái hôn này”. Và Chúa đã trả lời tôi một cách rất nhân từ : “Thì cũng vậy, khi con phạm một sai lỗi sơ ý, Bênigna ạ, con không xúc phạm đến Cha, nhưng hành vi khiêm nhường và yêu mến của con sau đó, những hành vi đầy ý thức, là cái hôn con tặng Cha : cái hôn đó, Cha đã chẳng nhận được, nếu con không mắc sai phạm kia”.
Người ta tìm đâu được một biểu tượng dễ thương hơn, để nói lên cái phiền lòng rất nhỏ và niềm vui rất lớn mà những sai lỗi sơ ý của ta mang lại cho Chúa Giêsu ?
“Vậy các lỗi lầm của ta có vai trò chủ yếu là giúp ta kinh nghiệm, có thể nói là sờ thấy sự yếu hèn và nỗi khốn nạn của mình. Chúng phải phát sinh một sự khiêm nhường sâu xa trong tâm hồn ta, bởi vì nếu không thế, chúng ta sẽ không bao giờ chê ghét mình. Tất nhiên những khô khan, những khi mất an ủi, những cơn cám dỗ có thể giúp ta trong việc này ; nhưng do bản tính của chúng, những sa ngã thường làm cho ta cảm thấy sự khốn nạn của mình cách rõ ràng hơn và dễ dàng hơn. Không có những sa ngã đó, dầu chúng ta có suy gẫm rất nhiều về tính hư vô của mình, sự hư hỏng của mình, những nết xấu của mình, thì như thánh Phanxicô Salêsiô đã nói, “dưới trăm hình vạn trạng, tính tự ái vẫn ẩn nấp đâu đó, vẫn len lỏi khắp nơi và làm hư hỏng mọi sự”. Cả ngàn vạn bài suy gẫm cũng không mang lại cho ta sự khiêm nhường cụ thể và thấm thía mà, với ơn Chúa, chỉ có kinh nghiệm lặp đi lặp lại về sự khốn nạn của ta mới có thể dạy ta.
Đó là lý do tại sao Thiên Chúa để ta sa đi ngã lại mãi như thế, một điều chúng ta không muốn hiểu và thường gây khó chịu cho ta. Phải rất nhiều lần kề môi vào chén đắng này, nơi chúng ta nếm thử sự thiếu thốn và khốn nạn của mình, rồi chúng ta mới phần nào nhận ra cái tôi xấu xa, cay đắng và độc ác của mình.
Như vậy, dần dần với sự nhận ra cái tôi và tính tư kỷ của mình, tính tự ái của mình, chúng ta dần dần chán ngán và chê ghét mình. Lúc đầu, khi nhận ra những sự khốn nạn của mình như thế, tính tự ái của ta giẫy nảy lên : không gì làm nó khó chịu và khó chấp nhận bằng hình ảnh sự xấu xa của nó, hiện rõ trong tấm gương những sai lỗi của nó. Nhưng rồi dần dần những lỗi lầm của ta bớt làm ta khó chịu, và chúng ta cũng bớt tự ái, bớt yêu mình. Lâu dần, chúng ta bắt đầu quay về với Chúa, để tìm ở nơi Ngài vẻ xinh đẹp, sự tuyệt hảo và những nét đáng yêu mà ta vẫn mơ tìm thấy nơi bản thân mình. Đây là khởi đầu sự giải thoát và ơn cứu độ của ta. Cái tôi của ta không còn đáng yêu đáng qúi nữa. Và sau cùng, chúng ta nhận ra rằng mình phải yêu mến một đối tượng thật sự đáng mến yêu và tôn qúi : đó là Thiên Chúa.
Một hôm một tập sinh nói với thánh nữ Têrêxa: “Ồ, em còn qúa nhiều điều phải thủ đắc”. Và thánh nữ trả lời : “Em hãy nói còn qúa nhiều điều phải mất đi. Chính Chúa Giêsu sẽ lo đổ đầy linh hồn em theo mức mà em gột rửa linh hồn mình sạch hết những khiếm khuyết. Chị thấy em đi lầm đường rồi, như vậy em sẽ không bao giờ tới đích. Em muốn lên núi, còn Chúa Giêsu lại muốn em đi xuống : Ngài chờ em ở đáy thung lũng, chỗ phì nhiêu của đức khiêm nhường”.
Nhận định này của thánh nữ rất đúng và chứng tỏ một kinh nghiệm sâu sắc trên đường nên thánh. Chúng ta không thể nên thánh bằng cách chỉ lo cải thiện cái tôi của ta, vì nó có bản chất xấu xa, vô phương chữa trị. Chúng ta không thể nên thánh bằng cố gắng sửa tính xấu này, chừa tính xấu kia[7]. Cách làm đó không đi tới đâu hết. Cũng giống như câu ngạn ngữ : “Muốn làm trắng một người da đen, người ta chỉ uổng phí xà bông”. Chính tính tự ái của ta đã bảo ta quan niệm con đường nên thánh theo cách đó, để ta đừng dò xét nó. Chính tính tự ái dạy ta quan niệm sự thánh thiện như một vẻ đẹp, một vẻ cao qúi cho cái tôi của mình.
Quan niệm sự trọn lành theo cách đó sẽ chỉ tăng thêm sự yêu mình và tự tin vào mình. Chúng ta mơ tưởng một sự thánh thiện do bàn tay ta làm ra, do hành động của ta : đó là cái tôi được cải thiện. Đó là sự thánh thiện mà tôi có thể thầm tự thỏa mãn và gọi là : sự thánh thiện của tôi.
Không nên làm thế ! Ngàn lần không nên làm thế ! Làm như thế sẽ không phải là nên thánh. Trái lại, chính nhờ chỗ thấy mình yếu đuối và khốn nạn mà chúng ta đi tới chỗ hiểu dứt khoát rằng : cái tôi của tôi qúa xấu xa, qúa khốn nạn, tôi không thể tiếp tục công việc làm đẹp nó. Tôi phải quên mình đi, phải chê ghét mình, phải đi tìm đối tượng khác cho sự qúi mến của tôi. Và đối tượng đó phải là Thiên Chúa vô cùng tốt lành và thánh thiện. Nghĩa là tôi phải quên mình đi, bỏ mình đi, và Thiên Chúa phải trở thành kho báu độc nhất của tôi. Thay vì làm đẹp cho mình, thay vì đề cao mình, tôi phải cầu chúc vinh quang của Chúa, yêu mến Ngài và ước ao thấy mọi người mến yêu Ngài. Không nên muốn mình là gì hết, phải nhận ra mình là hư vô. Thiên Chúa phải là tất cả cho tôi, tôi phải tìm thấy nơi Ngài mọi niềm vui, mọi ước muốn, mọi tôn vinh. Tôi phải đắm chìm trong Chúa, biến mất đi trong Ngài, phải từ bỏ mọi sự tốt lành bản thân bên ngoài Ngài, bên cạnh Ngài. Tóm lại, tôi phải để Chúa chiếm đoạt trọn vẹn con người của tôi, để tôi thay sự yêu mình bằng lòng mến yêu một mình Chúa.
Khi đó tôi sẽ có tình mến yêu tinh ròng và cao cả, yêu mến Chúa cách tuyệt đối vô tư, yêu mến Ngài vì Ngài mà thôi. Khi đó tôi sẽ có lòng yêu mến tinh ròng, tức chính lòng yêu mến của Thiên Chúa đối với bản thân Ngài. Chính tình yêu của Thiên Chúa ở trong trái tim tôi : tình yêu trong trái tim tôi sẽ chính là đức ái thần linh mà Thiên Chúa tự yêu mến mình ở trong tôi. Đúng là nhờ đã mất đi tất cả mà tôi đã có được tất cả[8].
Nói tóm lại, điều quan trọng trên hết là nhờ thấy mình tội lỗi khốn nạn, chúng ta đi tới chỗ chán ghét mình, liệng cái bản ngã xấu xa đi thật xa như trút bỏ một cái khối nặng nề và tai hại. Khi đó linh hồn ta sẽ nhẹ nhàng bay lên miền đầy ánh sáng và đầy tình mến yêu tinh ròng. Khi tống khứ được cái tôi ra khỏi, linh hồn ta sẽ được đổ đầy Thiên Chúa.
Hãy nhớ mục đích của Thiên Chúa, thì các lỗi lầm sẽ trở nên ngọt ngào cho ta. – Tóm lại, đó là bí mật của Chúa khi để ta mắc vào những lỗi lầm kéo dài mãi, mặc dầu chúng ta nhiệt thành trong việc sửa mình. Đó là chiến thuật Ngài sử dụng trong việc thánh hóa chúng ta. Ngài muốn chúng ta chê ghét mình một cách triệt để, và chỉ khi Ngài thấy chúng ta dứt bỏ tính tự ái và dứt bỏ lòng quyến luyến các vật thọ tạo, Ngài mới dần dần tỏ cho thấy vẻ tốt đẹp khôn tả của Ngài để lôi kéo trái tim đã thoát tục của ta. Qua những ơn rất qúi trọng của việc chiêm niệm, Ngài dần dần tỏ mình ra cho ta như đối tượng vô cùng đáng mến yêu, và như sự thiện tuyệt đối mà tất cả cuộc sống siêu nhiên của ta phải qui về. Dần dần linh hồn thực hiện cuộc khám phá vô cùng lớn lao : nó khám phá thấy Thiên Chúa là Thiên Chúa của nó, Ngài là sự thiện của nó, và nó phải yêu mến Ngài vô cùng, hơn là yêu mến bản thân nó. Trước đây, nó đã chỉ yêu mến Chúa vì Ngài tốt lành và đáng mến yêu, bây giờ nó yêu mến Ngài còn là vì Ngài là của nó. Nó cảm thấy Ngài là bản ngã mới của nó, cái tôi mới của nó: sau khi vứt bỏ được cái tôi xấu xa của nó, nay nó có được một cái tôi mới vô cùng đáng mến yêu là Thiên Chúa của nó. Sau cùng, nay nó yêu mến Thiên Chúa bằng tình mến yêu hiệp nhất : nó yêu mến Chúa như của riêng nó.
Nó thật hạnh phúc ! Như con chim thoát khỏi lưới, nay nó có thể hát mừng sự giải thoát của nó. Bây giờ nó có thể nhìn vào những ung nhọt của mình mà không bối rối, không cay đắng. Những ung nhọt của cái tôi, những lỗi lầm của nó, nay hiện ra khác hẳn trước mắt nó : nó thấy chúng dễ thương và còn có vẻ ngọt ngào. Và nó còn thấy qúi yêu cả sự khốn nạn của nó nữa ! Nó càng mến yêu Chúa vô cùng đáng mến, thì nó càng qúi mến những tật xấu và sự khốn nạn của mình. Vui mừng vì thấy mình xấu xa hèn hạ, và yêu mến Chúa vô cùng thánh thiện và tốt lành, cũng là một đối với nó từ nay. Lòng yêu mến của nó có hai mặt : nó yêu mến Thiên Chúa vô cùng đáng mến, và nó chê ghét cái tôi xấu xa và hèn hạ của nó. Nó vui mừng chiêm ngưỡng vẻ đẹp khôn tả của Chúa, đồng thời nó vui mừng vì thấy bản thân nó xấu xa và hèn hạ.
Bạn thật có phúc, hỡi linh hồn được chúc phúc, bởi vì chân lý của Chúa đã giải thoát bạn. Dưới ánh sáng của thần chân lý, bạn đã nhận rõ cái tôi đáng ghét của bạn, và bạn không còn buồn vì thấy nó xấu xa. Có thể nói bạn vui mừng vì thấy nó xấu xa và đáng chê ghét. Và bạn đã đổi cái tôi xấu xa đó để lấy cái tôi vô cùng đáng mến của Thiên Chúa. Bạn đã đổi cái sự xấu xa bẩm sinh của bạn để lấy vẻ đẹp thần linh của Chúa. Bạn đã đổi sự yếu hèn khốn nạn của bạn để lấy sức mạnh toàn năng của Chúa. Và bạn đã đổi những đau khổ của bạn để lấy hạnh phúc thần linh của Chúa. Ôi sự thay đổi và trao đổi lạ lùng ! Bạn thật hạnh phúc qúa ! Mọi mơ tưởng của bạn đã được thực hiện một cách qúa sự trông đợi. Bạn đã trở nên tốt đẹp, trọn lành, thánh thiện và hạnh phúc như bạn mơ ước, và còn hơn bạn mơ ước nhiều. Bạn đã trở nên tốt lành và hạnh phúc không phải nơi bạn và do bạn, cũng không phải ở ngoài Thiên Chúa và nơi bản thân bạn, nhưng trong Chúa và vì Chúa là Đấng tốt lành vô cùng, và bạn được đắm chìm trong Ngài : “Chúa là vinh quang của con và là hoan lạc của lòng con. Chúa là phần gia nghiệp của con đến muôn đời”. (Tv 118,3 - Tv 72,26). Một cách bí ẩn mà bạn không hay biết, nhờ rất nhiều những lỗi lầm đã che khuất cái lối bạn đã thoát ra khỏi chính mình, bạn đã tìm thấy hạnh phúc thật và sự giầu có đích thực. Là kẻ ăn xin từ bản chất, bạn đã trở thành nữ hoàng của vũ hoàn, bạn đã trở thành hiền thê của Thiên Chúa vô cùng giầu sang và toàn thiện.
§III. - Tính tự ái bực mình vì những lỗi phạm của mình. Linh hồn nội tâm lại tìm thấy ở đó lòng yêu mến ngọt ngào đối với sự hèn hạ của mình.
- Các thày dạy đàng nhân đức nói gì về sự yêu qúi sự hèn hạ của mình.
Tính tự ái bực mình vì những lỗi lầm của mình. Linh hồn nội tâm lại tìm thấy ở đó lòng yêu mến ngọt ngào đối với sự hèn hạ của mình.– Biết mình, chán ngán cái tôi của mình, yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa tới mức yêu qúi sự hèn hạ của mình đến bỏ mình đi vì Chúa : đó là những bước đường, mà nhờ ơn Chúa, các lỗi lầm của ta dẫn ta đến với Thiên Chúa. Và điều này được tóm lại trong hai từ : bỏ mình đi, và nhận được Thiên Chúa.
Không thể hồ nghi gì nữa, trong ý định của Thiên Chúa, những lỗi lầm của ta có một vai trò rất qúi giá của Chúa quan phòng. Nhưng các lỗi lầm có giá trị hay không là do chúng ta : chúng sinh ra những lợi ích mà chúng ta biết rút ra. Vai trò chủ yếu của chúng là làm giảm bớt và làm mất đi tính tự ái của ta, và nhân đó làm gia tăng lòng mến yêu Chúa. Nhưng cần phải hiểu rõ vai trò này, phải hiểu rõ đường lối của Thiên Chúa là dùng kỹ thuật này để sinh ích lợi cho linh hồn ta. Chỉ với điều kiện này, các lỗi lầm mới trở thành những lý do để ta càng tín thác trọn vẹn nơi Chúa.
Trên đây chúng ta đã chứng minh các lỗi lầm giúp ta hạ mình xuống, vì chúng cho thấy bản chất xấu xa của ta. Bởi vậy, tính tự ái buồn vì điều đó và bực tức đến điên người. Với sự khiêm nhường chân thành của ta, những mưu mẹo của nó để che giấu sự hèn hạ của ta đã bị phơi bày ra. Như vậy rõ ràng tính tự ái, sự yêu mình là một tâm tình gian dối. Bây giờ sự thật đã rõ như ánh sáng mặt trời : đó là khi yêu chuộng tính kiêu căng, lòng nhục dục và tính tự ái của mình, chúng ta đã có những tâm tình hết sức phi lý và dại dột. Nay chúng ta khám phá ra rằng cái tôi của chúng ta chỉ đáng chúng ta yêu qúi nó vì nó là của chúng ta. Chúng ta yêu cái tôi của mình, không phải vì nó tốt đẹp và dễ thương, trái lại nó rất không đáng ta yêu qúi, nhưng ta vẫn yêu qúi nó chỉ vì nó là chúng ta. Thật là điên rồ và phi lý. Vậy những lầm lỗi của ta đã giúp ta lột mặt nạ nó, nhận ra nó đáng chê cười, và nhờ đó mà giết được tính tự ái và thói tôn qúi bản thân mình cách khờ dại.
Chính vì thế mà tính tự ái của ta đã phát điên phát khùng lên khi thấy những lỗi lầm của mình. Và nó đã tìm đủ cách để chữa mình và chữa lỗi. Nó luôn tỏ ra cay đắng vì tội lỗi của mình, và không làm sao dập tắt được nỗi buồn bực. Bởi vậy chúng ta phải biết rằng : bực tức vì tội lỗi mình, lo âu xét mình, buồn bã thái qúa lấy cớ là đã làm phiền lòng Chúa, tất cả những thái độ đó đều là sa vào cạm bẫy của tính tự ái, là vô tình giúp cho tính tự ái đối diện với thực trạng của nó. Và như vậy chúng ta đánh mất tất cả những lợi ích mà các tội lỗi có thể mang lại cho ta.
Trái lại, nếu lòng mến yêu của ta đối với Chúa là một lòng mến tinh ròng, thì nhìn vào đống tội lỗi của mình, chúng ta không bối rối, không cay đắng mà còn có một niềm vui an bình. Lòng mến yêu Chúa khiến chúng ta quên mình, ra khỏi mình, làm như có hai người ở trong ta : khi tình yêu Chúa ngự trị trong ta, thì không phải ta nhưng là Chúa sống trong ta. Chính Thiên Chúa tự yêu mến Ngài ở trong ta. Dưới mắt của lòng mến này, cái tôi của tính tự ái và tính tư kỷ không còn là tôi nữa. Cái tôi đó không còn là của tôi nữa, không còn là tôi nữa : nó đã trở thành kẻ xa lạ, một kẻ thù. Con người cũ này là người tình cũ xấu xa của linh hồn, đã mê hoặc linh hồn và làm cho linh hồn yêu mến những sự có hại và cay đắng cho linh hồn.
Làm sao linh hồn được Chúa yêu thương, đã đồng hóa với tình thương đó, lại không vui mừng khi nhìn lại các lầm lỗi và những sự khốn nạn của mình ? Đúng thế, tất cả những gì lột mặt nạ cái tôi xấu xa và độc địa, tất cả những gì đánh vào tính tự ái, tình nhân xấu xa trước kia và là bạo chúa của linh hồn, phải được linh hồn vui mừng đón nhận và là căn nguyên hạnh phúc của linh hồn.
Đàng khác, sự xấu xa và xấu xí của cái tôi độc ác, cũng như những đau khổ của nó, càng làm nổi bật vẻ tốt lành, xinh đẹp và đáng mến của Chúa nay đã trở thành niềm vui và hạnh phúc của tôi. Bởi vậy những lỗi lầm kia được ví như những ánh chớp trong đêm tối, làm cho ta thoáng nhìn thấy những vẻ tốt lành thần linh của Chúa, nay đã là của linh hồn và trước đây linh hồn nhận biết qúa ít. Mỗi một thoáng nhìn đó, mỗi một hướng lòng về cái sự tuyệt hảo thần linh vô cùng đáng mến đó sẽ là một sứ điệp tình thương và hạnh phúc Chúa gửi đến cho linh hồn.
Như vậy những linh hồn tiến xa trên đường trọn lành, những linh hồn đã biết chê ghét mình và bỏ mình đi để nhận lấy Thiên Chúa và tình thương tinh ròng của Ngài, sẽ tìm thấy hạnh phúc và khoái lạc ở chỗ mà những linh hồn còn tự ái chỉ thấy bực mình và buồn chán. Họ tìm thấy niềm vui trong những lỗi lầm, bởi vì những lỗi lầm giúp họ bỏ được tính tự ái và dần dần hủy diệt được nó. Như vậy họ an vui sống theo những ý định của Thiên Chúa, vì Ngài cho phép xảy ra những xa ngã đó để giúp họ diệt tính tự ái. Họ yêu qúi sự hèn hạ của mình, và mỗi sai lỗi mà họ lỡ mắc phải sẽ là dịp để họ thực tập sự chê bỏ mình, chê bỏ cái tôi của mình.
Khi nhìn lại những lỗi lầm của mình mà khinh chê mình, khi vui vì đã nhận ra sự xấu xa của con người cũ, và khi biết yêu qúi sự hèn hạ của mình vì lòng mến yêu Thiên Chúa vô cùng tốt lành, chúng ta sẽ giúp Chúa tận diệt tính tự ái của ta. Như vậy mỗi lỗi lầm sẽ có thể giúp ta thực hiện những bước khổng lồ đi tới sự hiệp nhất với Chúa và được tan biến trong tình thương thần linh của Ngài.
Những lời dạy của các bậc thầy trong đường nhân đức về sự ta phải yêu mến sự hèn hạ của mình. – Ôi điều đáng tiếc là qúa ít linh hồn khám phá ra viên kim cương qúi giá này mà mỗi mặt của nó đều ánh lên lòng mến yêu Chúa : viên kim cương đó có tên là sự mến yêu sự hèn hạ của mình. Qúa ít linh hồn tìm ra hạnh phúc của mình ở nơi mà những linh hồn kém đạo đức chỉ gặp thấy buồn bực và chán nản ! Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã tìm thấy sự yêu mến hoạ hiếm đối với sự hèn hạ của ta và đã tìm thấy lòng mến yêu rất tinh ròng đối với Thiên Chúa. Nơi mỗi trang chị viết, chị thường hay trở lại với sự qúi mến sự bé nhỏ của mình và lòng qúi mến mà ta phải có đối với những sai lỗi của mình. Ngay khi mới bước vào đời sống tu trì của mình, chị thánh đã viết cho chị Céline của mình những dòng tốt lành này : “Chúng ta đừng tưởng tìm thấy lòng mến mà không gặp đau khổ. Bản tính loài người của ta ở đó, và nó có vai trò của nó. Nhưng chính nó giúp ta kiếm được những kho báu : nó là kế sinh nhai của ta đó. Nó qúi báu đến độ Chúa Giêsu đã xuống thế chỉ vì nó, để có nó. Chúng ta muốn có thể chịu đau khổ rất nhiều, rất quảng đại ! Chúng ta ước gì không bao giờ sa ngã ! Đó là ảo tưởng ! Phần em, em có sa ngã luôn mãi thì có sao đâu ! Nhờ đó em sẽ cảm thấy sự yếu đuối của mình và em gặp thấy ở đó một lợi ích lớn lao. Lạy Chúa, Chúa thấy khả năng của con, Chúa thấy con sẽ ra sao nếu Chúa không bồng con trên cánh tay Ngài. Cho nên nếu Chúa để con một mình, thì chắc là Chúa thích thấy con nằm xoài dưới đất. Vậy tại sao em phải lo lắng ?”.
Chúng ta hãy củng cố thêm những tư tưởng đầy ủi an này bằng một vài trích dẫn khác nữa. Cha Surin, một thầy dạy rất đáng kính của đường nên thánh đã để lại một trang rất cao siêu sau đây về sự ta phải biết qúi mến sự hèn hạ của mình : “Phương thế mau lẹ nhất để đạt được sự bình an cho tâm hồn là phải biết qúi mến sự hèn hạ và những sự khốn nạn của mình, dầu chúng là thế nào đi nữa, trừ ra đó là sự cố tình phạm đến Chúa, sự qúi mến đối với những sự khốn nạn của mình, kể luôn cả những sa ngã, sẽ luôn giúp ích cho ta, và không bao giờ sẽ làm cho ta ngã lòng. Một linh hồn yêu qúi sự hèn hạ của mình sẽ không biết những chán nản và ngã lòng. Nó luôn cố gắng làm mọi cách để chống lại sự nản lòng. Nó hài lòng vì bản thân nó chỉ là bất lực và khốn nạn, cho nên nó rất vui mừng thấy Chúa Giêsu có đầy đủ và dư thừa những sự tuyệt hảo mà nó mơ ước. Nhân đó nó biết mình không thể bỏ qua Ngài một giây phút nào. Nó nghĩ nếu nó có một chút sức lực nào, nó cũng không muốn cậy dựa vào mình, bởi vì nay nó đã hiểu rõ sự bất lực căn bản của mình, và nó lấy sự cậy trông và tín thác nơi Chúa làm sức mạnh và niềm vui của bản thân nó. Cách thế này sẽ giúp linh hồn tiến tới trong lòng mến yêu Chúa cách tinh ròng chỉ trong một tuần lễ mau lẹ hơn cả năm trời lo lắng tập tành. Người ta sẽ không khó gì để thấy rõ điều này, nếu người ta có ít nhiều kinh nghiệm bước theo con đường của Chúa”.
Một vị linh hướng rất thời danh khác, cha Caussade, cũng rất nhiều lần đề cao sự qúi mến những thấp hèn này. Sau đây là mấy lời ngài viết cho một con thiêng liêng của ngài : “Ôi, nếu người ta biết chấp nhận, yêu mến và qúi trọng sự hèn hạ nội tâm của mình, người ta sẽ muốn luôn cảm thấy nó và ở trong nó, vì như thế chúng ta sẽ ở gần Chúa hơn. Thiên Chúa vô cùng cao cả và thánh thiện đã tuyên bố rằng : chúng ta càng hạ mình xuống, thì Ngài sẽ càng đến gần chúng ta hơn. Nếu hạ mình xuống trước mặt người ta là điều có ích cho ta, thì tự hạ trước mặt mình, tự hạ trước mặt tính tự ái và tự kiêu của mình còn sinh ích cho ta hơn nhiều, bởi vì tính tự ái và tự kiêu thường điên lên vì sự hèn hạ của mình. Đó là cách thế làm cho tính tự ái chết đi dần dần ở trong ta. Đó là lý do để Thiên Chúa thường để cho ta mắc phải những chuyện đáng xấu hổ trong tâm hồn. Chúng ta cần phải biết lợi dụng chuyện này, bằng cách thực hành lời chỉ bảo của thánh Phanxicô Salêsiô, là hãy thực thi những hành vi của đức khiêm nhường dịu dàng và bình tĩnh, và hãy xua đuổi thứ khiêm nhường giả dối đầy lo buồn và bực tức. Khiêm nhường mà lo buồn và bực tức thì rõ ràng là dấu hiệu của kiêu căng, cũng như đau khổ mà lo buồn và bực tức là dấu hiệu của sự thiếu nhẫn nhục”.[9]
Và đúng như chúng ta mong chờ, thánh Phanxicô Salêsiô khiêm nhường và nhân từ rất hay nói đến vấn đề quan trọng này. Ngài nói : “Cao điểm của đức khiêm nhường không chỉ ở tại chỗ thành tâm nhận biết mình hèn hạ, nhưng còn phải yêu mến và vui vì sự hèn hạ của mình, mà như thế không phải vì thiếu can trường và quảng đại, nhưng là để càng tôn vinh sự cao cả của Chúa và yêu mến tha nhân hơn chính bản thân ta”. Như vậy thánh Phanxicô Salêsiô đã gặp thánh tiến sĩ vĩ đại thành Hippone, vì thánh Augustinô định nghĩa “khiêm nhường là yêu mến Thiên Chúa đến mức khinh chê bản thân mình”.
Ở một chỗ khác, thánh nhân viết : “Giả thử ta có thể đẹp lòng Chúa, lúc trọn lành cũng như khi không trọn lành, thì chúng ta phải ước ao sống không trọn lành, hầu nuôi dưỡng như thế đức khiêm nhường rất thánh ở trong ta”.
Một kitô hữu rất đáng tôn trọng, ông Bernières, cũng nói y như thế : “Nhận biết và vui nhận sự hèn hạ của mình là một trong những ơn thương xót lớn lao Chúa dành cho ta, bởi vì Chúa để chúng ta rút lấy ơn cứu độ từ chỗ hư hỏng của chúng ta, cũng như Chúa rút lấy vinh quang từ những lỗi phạm của chúng ta. Dưới ánh sáng của Chúa, linh hồn vui thích ngồi trên đống phân của những sự khốn nạn của mình, bao quanh bởi những sự hèn hạ của những lỗi lầm mình đã sai phạm, cũng như ông Gióp ngồi trên đống tro của những đau khổ xưa. Thấy mình đầy những tật nguyền và những sự khốn nạn, linh hồn lấy thế làm vui, bởi vì nhân đó nó có thể tôn kính và chúc tụng sự tốt lành của Thiên Chúa. Khốn nạn cho linh hồn sa ngã, nhưng sự hèn hạ nó mang lấy do sự sa ngã lại là một kho báu cho nó. Điều này rất ít người nhận ra, vì họ không nhận thấy hạnh phúc này. Họ nghèo khó, nhưng họ có một kho báu trong chính sự nghèo khó này. Đáng buồn thay, họ đã không thật sự nắm được kho báu này, vì họ không biết tìm nó”.[10]
Hỡi linh hồn tôi ! từ nay mi phải xác tín rằng các lỗi lầm của mi rất có ích cho mi, vì sự khôn ngoan vô cùng của Chúa Giêsu đáng mến đã để như thế, hầu sinh ích cho mi và mang lại niềm vui cho Ngài. Các lỗi lầm của ta là thứ phân bón giầu chất dinh dưỡng, nếu thiếu nó thì các cây nhân đức của ta sẽ còi cọc và không sinh hoa trái. Vậy khi mi sa ngã, mi đừng ngạc nhiên và nhất là đừng bực tức với mình. Làm thế là đi vào cạm bẫy của tính tự ái. Và cũng là cưỡng lại những ý định của Thiên Chúa, vì Ngài muốn dùng cách này, dùng những sa ngã của mi để diệt trừ tính tự ái của mi. Trái lại, với tâm tình hối cải, bình tĩnh và mến yêu, mi hãy gieo mình vào vòng tay của Chúa Giêsu, như một đứa bé rất ngoan ngoãn. Hãy yêu mến ôm lấy Ngài như một đứa bé trọn vẹn tín thác. Hãy thưa Chúa rằng mi vui nhận sự yếu hèn của mình, miễn là mi thấy Ngài tốt lành và dễ thương. Rồi mi hãy quên đi tất cả mọi lầm lỗi của mình, và có nhớ thì chỉ nhớ để chê ghét mình, yêu mến sự hèn hạ của mình, để nhân đó mà mến yêu Chúa cách trọn vẹn hơn.
Nghĩ đến những lầm lỗi và những thiếu sót của tôi, tôi thấy tôi đã không hiểu chúng, cho nên từ nay tôi sẽ qúi mến chúng hơn. Nếu tôi đã biết chê bỏ mình, đã chán ghét mình, đã ngước mắt lên nhìn Chúa và yêu mến Ngài hết lòng, thì cũng phần nào nhờ vào những sai lỗi của mình. Các lỗi lầm của tôi đã chỉ cho tôi con đường dẫn tới chỗ chê bỏ mình, quên mình đi, để một lòng đi theo Chúa, tha thiết gắn bó với Ngài. Từ nay tôi sẽ biết đón nhận cách bình tĩnh những sai lỗi của tôi. Tôi sẽ yêu qúi những lỗi lầm đó, cũng như tôi thiết tha trìu mến Thiên Chúa rất tốt lành của tôi, và chán ghét cái tôi xấu xa của tôi.
Lạy Chúa, xin cũng hãy ban cho con ơn trọng này là nhận biết và qúi mến sự bé mọn và hèn hạ của mình. Đó là bí quyết nên thánh mà Chúa đã chỉ mặc khải cho những người khiêm nhường và bé mọn: “Chúa đã mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Lc 10,21). Ước chi mọi yếu đuối và sa ngã của con, dầu chúng là thế nào đi nữa, cũng đều mang lại cho con hiệu qủa tốt lành này là giúp con thấm thía và vui mừng vì sự hèn hạ của mình, khinh chê mình và coi mình là hư vô, để đáng Chúa thương và để con càng yêu mến Chúa hơn. Hạnh phúc này là một hạnh phúc bị giấu kín. Chỉ mình Chúa có thể ban cho con ơn nhận biết và yêu mến sự thật đó. Xin Chúa ban cho con ơn qúi trọng và mạnh sức này, như Chúa đã ban cho nhiều linh hồn, vì đây là con đường ngắn nhất để mau lẹ đạt tới những đỉnh cao của sự thánh thiện. Vậy, lạy Chúa, vì công nghiệp vô cùng của Chúa Giêsu Con chí ái của Chúa, xin ban cho con niềm vui lớn lao của những linh hồn được hư vô hóa và tan biến trong Chúa : ở đó con sẽ mến yêu Chúa trong sự quên mình và chê ghét mọi vật thọ tạo.
[1] Mgr Gay, De la vie et des vertus chrétiennes. De l’espérance. (Về đời sống và các nhân đức. Về đức trông cậy).
[2] Mgr Pie, Homélie au jour de la Toussaint (Bài diễn giảng Phúc âm lễ các thánh).
[3] Tiểu sử một linh hồn, ch. X, tr. 204.
[4] D. Considine S.J. Delight in the Lord (vui sướng trong Chúa), tr. 24
[5] Delight in the Lord, p. 18
[6] Những lợi ích lớn lao cần được ta suy gẫm là : Các lỗi lầm của ta làm cho ta khoan dung hơn đối với người khác ; chúng bắt ta tập can đảm hơn và nhẫn nhục hơn ; chúng dạy ta phó thác nơi Chúa cách trọn vẹn hơn ; nhất là chúng khiến ta luôn luôn chạy lại với Chúa Giêsu vì Ngài là Đấng đầy đủ cho ta.
[7] Linh hồn thật sự nội tâm sẽ hăng hái diệt trừ các nết xấu của mình, không phải do tính tự ái thầm kín và tinh khôn, nhưng chỉ vì lòng mến yêu tinh ròng đối với Chúa.
[8] Nhà thần học thần bí Tauler đã viết : “Khi tôi tìm thấy mình, tôi đã đánh mất Thiên Chúa, còn khi tôi đánh mất bản thân, tôi đã tìm thấy Thiên Chúa”.
[9] Caussade, L’abandon à la Providence divine. Paris, Gabalda, t. II, thư thứ 17 (viết cho nữ tu Rosen).
[10] Le chrétien intérieur (người Kitô hữu nội tâm), liv. III, p.16.